Giới thiệu là nhân viên của công ty cung cấp nước sạch hoặc tổ chức từ thiện để lừa người tiêu dùng bằng cách phân biệt nước sạch, nước bẩn để bán thiết bị lọc hoặc lấy tiền đặt cọc rồi biến mất

1.jpg

Kiểu lừa gạt này không chỉ xuất hiện tại TP HCM mà còn có ở nhiều địa phương khác.Với thủ đoạn đến cửa hàng phân phối nước đóng bình hoặc đến tận các gia đình, cơ quan và giới thiệu là nhân viên tiếp thị (NVTT) của công ty có công nghệ cung cấp nước uống tinh khiết, siêu sạch. Chưa hết, họ còn đưa ra danh sách nhiều nơi đã sử dụng sản phẩm của họ để người tiêu dùng tin tưởng.

Thí nghiệm kiểu ảo thuật

Để thuyết phục chủ nhà, họ tiến hành làm thí nghiệm tại chỗ từ nguồn nước thủy cục, nước đóng chai, đóng bình của các hãng trong nước, nước ngoài và nước siêu sạch mà họ mang theo, điện phân vào 2 cốc cùng lúc và bật điện. Thiết bị dùng để kiểm tra nước là máy điện phân, nhỏ gọn như bao thuốc lá, với 4 thỏi kim loại (gọi là cực). Theo đó, 2 cực nhúng vào nước của chủ nhà, 2 cực còn lại nhúng vào nước của họ mang theo và bật điện.

Chỉ sau vài giây, phần nước của chủ nhà đổi sang màu da cam và sau đó chuyển tiếp sang màu nâu. Trong khi phần nước của họ vẫn không thay đổi màu sắc, tức là “nước sạch”. Nhiều chủ nhà không tin vì nước uống của họ là từ nước uống có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Theo đó, NVTT chuyển thiết bị cho chủ nhà tự tay thí nghiệm, kết quả vẫn không thay đổi.

Khi thấy chủ nhà hoang mang, lúc này NVTT đặt vấn đề mua sản phẩm nước đóng bình của họ với giá rẻ nhưng chất lượng siêu sạch. Hoặc yêu cầu chủ nhà mua thiết bị lọc nước để loại bỏ các chất bẩn. Chưa hết, sau một thời gian giao hàng đúng tiến độ, họ lại thông báo công ty sản suất không đủ hàng cung cấp nên chỉ ưu tiên những ai đóng tiền trước. Sau khi thu tiền từ nhiều hộ, họ “biến” mất mà không giao hàng cho ai. Thủ đoạn này lại được tiếp diễn tại nơi khác và người tiêu dùng tiếp tục sập bẫy.

2.jpg

Chỉ là phương pháp hóa lý để lừa những người không am hiểu

Máy điện phân gồm 2 catôt bằng nhôm, 2 anôt bằng sắt. Một catôt và một anôt tạo thành 1 cặp điện cực. Khi điện phân nước, mỗi cặp điện cực nhúng vào một cốc. Tại thỏi nhôm sẽ thấy trên bề mặt có khí sủi lên, đốt thì cháy, đó chính là khí hydrô. Tại thỏi sắt, các nguyên tử sắt ở lớp bề mặt của thỏi sắt bị mất điện tử trở thành cation Fe3+, khuếch tán vào dung dịch, tạo thành hợp chất kết tủa có màu da cam, nếu nồng độ đủ lớn có thể chuyển sang màu nâu.

Tại sao có hiện tượng mẫu nước khác không đổi màu hoặc đổi màu ít hơn? Bởi vì trong các mẫu nước đó không có hoặc có rất ít hàm lượng muối khoáng hòa tan (độ dẫn thấp). Nếu điện phân các mẫu nước trên lâu hơn khoảng 1 phút thì chúng cũng sẽ chuyển sang màu da cam.

Như vậy, việc tăng hàm lượng các muối khoáng hòa tan (tăng độ dẫn) đã tăng tốc quá trình hòa tan anôt (bằng sắt). Theo giới chuyên môn, cách thí nghiệm trên chỉ là trò chơi lý hóa, vì trong nước có nhiều chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Những chất khoáng này khi gặp điện phân sẽ phản ứng cho ra màu sắc là đương nhiên.

Theo TS Nguyễn Hoàng Nam, Trung tâm Khoa học vật liệu - Khoa Vật lý ĐH Quốc gia Hà Nội, phương pháp này không thể xác định được là dung dịch được thử có kim loại hay chất độc hay không, có thể trong dung dịch này nhiều khoáng hơn dung dịch kia. PGS-TS Lê Văn Cát, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết để xác định chất lượng của nước cần nhiều xét nghiệm khác nhau. Phương pháp điện phân cũng là một cách để xác định kim loại nặng trong nước nhưng không phải là phương pháp kiểm định chất lượng của các loại đồ uống nói chung. Còn theo GS-TS Trần Chương Huyến, Trưởng Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu và phân tích thực phẩm, chưa thấy một tiêu chuẩn quốc gia hay một tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế nào dùng phương pháp điện phân với các điện cực bằng thép trắng để xác định tổng số kim loại nặng có trong nước và thực phẩm.

Bài và ảnh: MAI QUYỀN
Báo NLĐ ngày 9/4/2015