1.jpg
Dự án sẽ lấy nước thô từ sông Hậu

          (CT)-Sáng ngày 28-1, tại TP Cần Thơ, Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo báo cáo phương án đầu tư Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL (Dự án) nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi về dự án và lấy ý kiến các địa phương, các bên có liên quan để xúc tiến việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đã tham dự Hội thảo. Về phía TP Cần Thơ, tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cùng lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan thành phố.
          Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao về chuẩn bị đầu tư Dự án theo Quyết định 1469/QĐ-BXD ngày 16-7-2013 của Bộ trưởng Bộ xây dựng, Ban quản lý Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tiến hành thuê Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam lập báo cáo đầu tư dự án. Dự án sẽ đảm nhiệm việc lấy nguồn nước mặt từ Sông Hậu không nhiễm mặn để phục vụ cho 7 tỉnh, thành nằm ở khu vực Tây Nam sông Hậu thuộc ĐBSCL trong tương lai khi nguồn nước mặt tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi phèn và mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong khi nguồn nước ngầm có dấu hiệu suy giảm. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2020. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án có thể vượt hơn 1,6 tỉ USD. Theo đơn vị tư vấn, việc thực hiện dự án này là rất cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho vùng. Tuy nhiên, khó khăn lớn của dự án là chi phí đầu tư xây dựng lớn, thời gian xây dựng dài, hiệu quả kinh tế ban đầu không cao và cần mô hình quản lý mới, có tính đặc thù cao. Báo cáo tại Hội thảo, đơn vị tư vấn cũng nêu các phương án về vị trí đầu tư xây dựng các nhà máy lấy nước từ sông Hậu, công suất thiết kế, các phân kỳ đầu tư và các phương án xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước, xử lý nước, tiêu chuẩn cấp nước, mô hình tổ chức quản lý nhằm giúp các đại biểu có các trao đổi, thảo luận để xác định các phương án tối ưu.
          Tại hội thảo, đại diện các địa phương khu vực Tây Nam sông Hậu cùng các bộ ngành, đơn vị có liên quan đã thống nhất cao với việc thực hiện dự án và mong dự án này sớm được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để dự án được thực hiện tốt cần có nghiên cứu sâu và kỹ các phương án để chọn giải pháp tối ưu. Trong đó, cần chú ý xác định kỹ nhu cầu sử dụng nước với tầm nhìn dài hơi đến năm 2025, thậm chí đến năm 2050 để xác định quy mô đầu tư và có các phân kỳ đầu tư hợp lý. Mặt khác, cần đặt biệt quan tâm vấn đề quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước trên sông Hậu… Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện dự án.
          Chiều cùng ngày, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng thế giới (WB) về việc triển khai thực hiện Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh.
          Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang Bộ Xây dựng cùng các cơ quan thuộc Bộ và đơn vị tư vấn đã giới thiệu với Đoàn công tác của WB về nhu cầu thực Dự án cấp nước vùng liên tỉnh ĐBSCL, đồng thời mong muốn WB có các hỗ trợ về tài chính và các chuyên gia kỹ thuật để giúp Việt Nam thực hiện tốt dự án này. Tham dự buổi làm việc, đại diện các địa phương vùng Tây Nam sông Hậu cũng khẳng định, đây là một dự án cấp vùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tại 7 tỉnh, thành khu vực Tây Nam sông Hậu trước tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hơn nữa, việc thực hiện dự án sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực và góp phần tăng cường khả năng thu hút đầu tư phát triển cho vùng. Dự án rất cần phải được thực hiện ngay nhưng khó khăn đang gặp phải là cần một nguồn vốn đầu tư lớn, nếu chờ đợi để huy động các nguồn đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian. Do vậy, các địa phương cũng mong muốn WB xem xét có gói hỗ trợ về tín dụng để dự án sớm được thực hiện.
          Đại diện Đoàn công tác của WB, ngài Ousmane Dione, Giám đốc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc WB tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhìn nhận đây là dự án cấp bách có tính khả thi và ưu tiên cao, cần được thực hiện ngay với tiến độ nhanh chóng. Dự án này cũng hướng đến nhiều mục tiêu chung mà WB đang hướng đến như: chấm dứt nghèo cùng cực, tạo nhiều cơ hội thu hút đầu tư phát triển…WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án cả về mặt tài chính, kỹ thuật và chia sẻ các kinh nghiệm. Phía Việt Nam cần thành lập ngay một nhóm đối tác để trao đổi các công việc cụ thể với WB nhằm xúc tiến thực hiện dự án…

(Khánh Trung - Cần Thơ online)